CƠ QUAN LƯU TRỮ

LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG

banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner
SỐ LIỆU TRUY CẬP:
Tổng truy cập:12026326
Đang truy cập:219
GIỚI THIỆU
Hà Tĩnh trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc

Ngày đăng: 20/07/2022
     Hà Tĩnh là vùng đất thuộc Bắc miền Trung có bề dày lịch sử - văn hóa. Từ xa xưa, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống; vùng Hồng Lĩnh ngày nay được gọi là Kinh đô Ngàn Hống - Thủ đô đầu tiên của nước Xích Qủy (tên gọi trước đây của Việt Nam) dưới thời vua Kinh Dương Vương. Thủa Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức. Trong thời kỳ Bắc thuộc và các thời đại phong kiến độc lập sau đó, các tổ chức địa giới hành chính, cùng tên gọi của vùng đất này luôn thay đổi và mãi đến năm 1831 (năm Minh Mệnh thứ 12), tỉnh Hà Tĩnh mới chính thức được thành lập.
 
     Sự kiện thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831 là một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh, khẳng định vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương, sánh vai với các tỉnh khác trong cả nước.
 
     190 năm đi qua (từ năm 1831- tỉnh Hà Tĩnh chính thức được thành lập đến nay), tên gọi Hà Tĩnh đã gắn liền với bao dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc. Vùng đất cằn khô sỏi đá này luôn là cội nguồn của những áng văn thơ nổi tiếng, của những bài ca cất lên từ lao khổ và bom đạn chiến tranh.
 
     Nhân kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (1831 - 2021), 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021), Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức triển lãm 3D trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” với mục đích khẳng định, tôn vinh các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa và cách mạng của con người Hà Tĩnh; tuyên truyền về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển (1831 - 2021). Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương.
 
     Triển lãm gồm có 4 phần: 
 
     Phần 1: Sự hình thành vùng đất Hà Tĩnh: 1831-1885
 
     Phần 2: Hà Tĩnh trong phong trào giải phóng dân tộc: 1885-1945
 
     Phần 3: Hà Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: 1945 - 1975
 
     Phần 4: Hà Tĩnh tự hào phát triển (1976 đến nay).
 
     Trong bài viết này Trung tâm giới thiệu đến quý độc giả những tài liệu tiêu biểu trong phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1885-1945 của Hà Tĩnh.
 
 
Dụ ngày 10 tháng 5 năm Khải Định thứ 9 (tức ngày 11/6/1924) về việc thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh và xác định giới hạn của trung tâm đô thị này
 
     Sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương lần thứ 2 (tháng 7/1885), một làn sóng yêu nước đã dâng lên trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Người hưởng ứng Chiếu Cần vương đầu tiên ở Hà Tĩnh đó là Lê Ninh ở Trung Lễ, Đức Thọ. Tiếp đó là phong trào kháng chiến sôi nổi, diễn ra rộng khắp các địa phương trong tỉnh do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng - Cao Thắng lãnh đạo kéo dài 11 năm (từ năm 1885 - 1896) đã trở thành một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và là đỉnh cao trong phong trào chống Pháp cuối thể kỉ XIX của Nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung.
 
  
 
Ghi chép về phong trào Phan Đình Phùng của chính quyền Pháp từ năm 1894 đến năm 1896
 
   Tháng 02/1886, Pháp chiếm thành Hà Tĩnh, tuy nhiên mãi đến năm 1889 chính quyền Pháp mới được thiết lập ở đây. Lúc này, về tổ chức hành chính, Hà Tĩnh có 5 phủ (Đức Thọ, Hà Thanh, Trấn Tĩnh, Trấn Định và Lạc Biên). Đến năm 1896, chính quyền Pháp cắt phủ Trấn Tĩnh, Trấn Định, Lạc Biên để sáp nhập vào đất Lào và Hà Tĩnh chỉ còn lại 2 phủ Đức Thọ và Hà Thanh. Tổ chức hành chính này được duy trì cho đến Cách mạng tháng 8 năm 1945.
 
 
Bản đồ Đạo Hà Tĩnh thời vua Đồng Khánh
 
 
 
 Nghị định số 51 ngày 24/12/1906 của quyền Toàn quyền Đông Dương nhượng vĩnh viễn không thu phí cho Chazet 4 mảnh đất công ở Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
 
     Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, chính quyền Pháp đã tiến hành trưng dụng đất đai để làm đường, xây dựng các công sở, trường học để có điều kiện khai thác Hà Tĩnh một cách có hệ thống, trên quy mô lớn và với tốc độ nhanh hơn. 
 
 
Nghị định số 351 ngày 12/5/1915 của Khâm sứ Trung Kỳ cho phép Gaussin khai thác bãi đá Granit ở Hà Tĩnh
 
 
Nghị định số 450 ngày 13/6/1915 của Khâm sứ Trung Kỳ cho phép cải dụng và phá tòa nhà chính của ga Hà Tĩnh.
 
 
Quyết định số 140 ngày 18/02/1918 của Khâm sứ Trung Kỳ cho phép sửa chữa trường Pháp -Việt Hà Tĩnh
 
     Trong hoàn cảnh xã hội lúc này, mâu thuẫn giữa Nhân dân lao động với chính quyền Pháp và phong kiến tay sai ngày càng trở nên gay gắt. Các cuộc đấu tranh của Nhân dân lao động liên tiếp xảy ra. 
 
  
 
Báo “Lao khổ” đưa tin về các phong trào đấu tranh ở Trung Kỳ, số ra ngày 05/10/1930
 
     Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng được thành lập. Trong những năm 1930- 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh cùng với Nhân dân cả nước đã vùng dậy làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Cao trào này chính là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
  
 
Giới thiệu một số nét về phong trào cách mạng của Hà Tĩnh những năm 1932 - 1935.
 
     Từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), các phong trào đấu tranh cách mạng của nước ta có bước tiến mới; cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tích cực tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng giành quyền sống, quyền tự do với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), phong trào đấu tranh dân chủ (1936 - 1939) và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1939 - 1945), góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập cho dân tộc. Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh của cả nước giành được chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất nước.
 
     Trên đây là một số hình ảnh và thông tin về phần II của triển lãm. Trân trọng kính mời quý độc giả tham quan và khai thác tài liệu về lịch sử hình thành tỉnh Hà Tĩnh qua website chính thức của triển lãm: https://trienlam.hatinh.gov.vn. 
 
 
Nguyễn Thị Mai Anh - Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh
 

Ý KIẾN PHẢN HỒI:
Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Nội dung:  
Mã xác nhận:
   
 
TIN MỚI:
TIN CÙNG LOẠI: