Thời thuộc Pháp Đền Thờ Lê Mậu Tài thuộc địa bàn xã Thịnh Xá, tổng An Ấp; sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Thịnh Xá nhập với làng Văn Giang gọi là xã Sơn Thịnh Văn; năm 1955 đổi thành tên mới là xã Sơn Thịnh thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1976-1991 thời kỳ nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đền thờ Lê Mậu Tài thuộc thôn Thịnh Trường, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Năm 1991 đến nay, di tích vẫn thuộc địa bàn thôn Thịnh Trường, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn nhưng thay đổi về địa danh hành chính tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Lê Mậu Tài sinh năm Bính Thìn (1616), tại thôn Sơn Kim, huyện Gia Lâm (nay là xã Sơn Kim, quận Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Lúc còn nhỏ ông sống với bà cô có chồng họ Nguyễn. Ông sớm biểu lộ tư chất thông minh và học giỏi nên vợ chồng bà cô đổi tên họ là Nguyễn Mậu Tài. Họ Nguyễn được ông dùng cho đến lúc trả ấn từ quan về với cuộc sống an bình tại xã Thịnh Xá, tổng Yên Ấp, huyện Hương Sơn.
Khoa thi Bính Tuất (1646) ông đỗ Tiến Sỹ, sau khi đỗ Tiến sỹ ông được triều đình trọng dụng, làm đến nhiều chức quan. Mùa xuân năm Quý Sửu (1673) ông và Hồ Sỹ Dương được triều đình cử làm sứ thần sang Nhà Thanh nộp lễ tuế cống và cáo phó việc tang Huyền Tông. Sau chuyến đi sứ về ông được bổ dụng chức Phó đô Ngự sử rồi đến Thượng thư Bộ binh. Sử chép “Tháng 10 mùa đông bổ dụng Binh bộ Thượng tư Nguyễn Mậu Tài, làm quan Phó đô Ngự sử, sau vì có công phụng mạng đi sứ được thăng Thượng thư Bộ hình, đến nay tham tụng Vũ Duy Chí làm quan về nghỉ hưu nên Mậu Tài được thăng Thượng thư Bộ binh” và tước “Kế Liệt Hầu”.
Sống và làm quan trong giai đoạn triều chính Lê - Trịnh đang có những mối bất hòa, người chính trực, ngay thẳng thì không được trọng dụng, kẻ xu nịnh ngày càng nhiều, cuộc sống của Nhân dân lầm than, khổ cực. Đã nhiều lần ông dâng biểu sớ nói lên sự thật cuộc sống của các quan lại trong triều đình và đời sống của người dân. Ông bị một số quan lại đố kỵ và tìm cách hãm hại. Tháng 8 năm 1682 Nguyễn Mậu Tài đã bị giáng chức: “Tạc biết Mậu Tài là người thuần cẩn, không có lỗi gì to, nhưng thấy Văn Đương dám nói thẳng, Tạc có ý muốn khuyến khích mọi người bèn giáng chức Mậu Tài làm tả thị lang bộ Hộ, cân nhắc Văn Đương làm hữu thị lang bộ Binh cho hầu trong phủ chúa”. Không thể sống với vương triều đang mục nát, nhiều lần ông xin chúa Trịnh từ chức nhưng không được. Một thời gian sau ông quyết định trả ấn từ quan cùng với một số con cháu di cư về vùng đất Thịnh Xá, tổng Yên Ấp, huyện Hương Sơn sinh sống. Từ đây ông lấy tên họ là Lê Mậu Tài và lập nên dòng họ Lê tại thôn Thịnh Xá. Ông mất vào ngày 15 tháng 5 năm Giáp Tuất (1694).
Để ghi nhớ công lao của ông, triều đình đã giao cho Nhân dân làng Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) và làng Thịnh Xá (Hương Sơn, Hà Tĩnh) lập đền thờ. Về sau, các triều đại phong kiến đã có sắc phong ghi nhận công lao của ông và ban cấp “Lộc điền” cho Nhân dân trong vùng để phục vụ việc tế lễ.
Từ năm 1930 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đền thờ là nơi hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng, là một trong những địa điểm liên lạc, gặp gỡ của một số cán bộ tuyên truyền giác ngộ cho Nhân dân vùng hạ Hương Sơn trong cao trào 1930-1931 và tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Năm 1951 - 1953 là nơi tổ chức in ấn tài liệu. Năm 1954-1955 đền thờ dùng là nơi tổ chức triển lãm thành tích kháng chiến của quân và dân vùng Nghệ - Tĩnh.
Ngày nay, đền thờ Lê Mậu Tài được chính quyền địa phương cùng con cháu trong dòng họ tôn tạo, tu bổ, ngày càng khang trang, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân tộc để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Để ghi nhận công lao của Tiến sỹ Lê Mậu Tài đối với Nhân dân và đất nước, ngày 06/6/2006, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1432/QĐ-UBND công nhận Đền thờ Lê Mậu Tài, xã Sơn Thịnh, huyện Hương sơn là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Mậu Tài thuộc phông Uỷ ban nhân dân tỉnh, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, trân trọng kính mời quý độc giả đến khai thác./.
Trần Thị Thu Thủy
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh