CƠ QUAN LƯU TRỮ

LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG

banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner banner
SỐ LIỆU TRUY CẬP:
Tổng truy cập:12423627
Đang truy cập:118
GIỚI THIỆU
Đảng Cộng sản Việt Nam nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 03/02/2023
Chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, xin được điểm một số dấu ấn của Đảng với cách mạng Việt Nam.
 
 
     Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng” (1).
 
 
 
Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của Đảng, năm 1930. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 
     Trải qua 93 mùa xuân với 13 kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
 
     Ngay từ khi ra đời, Đảng đã xác định đường lối của cách mạng Việt Nam: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản… Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”(2). Từ đây, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện đường lối đã đề ra.
 
     Lãnh đạo đấu tranh qua các cao trào cách mạng và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám - 1945
 
     Ngay sau khi vừa thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh, đỉnh cao là phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh thành lập chính quyền của công nhân và nông dân (gọi là Xô Viết). Phong trào đã thu hút đông đảo quần chúng công nông tham gia, được coi là cuộc diễn tập đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng chuẩn bị cho sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945.
 
 
Bản đồ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh: Nơi có búa liềm là đã thành lập Xô viết xã. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh trước Cách mạng Tháng Tám, SLT 71.
 
     Trải qua giai đoạn thoái trào, đến những năm 1936 - 1939, trước nhận định về tình hình chính trị từ chính quốc Pháp sẽ tác động đến tình hình tại Đông Dương, Đảng đã chủ trương “thành lập Mặt trận dân tộc phản đế không thể trì hoãn thêm một phút. Các tổ chức đảng, mỗi một đồng chí phải hết sức chủ động thành lập Mặt trận dân tộc phản đế, nhằm tập hợp tất cả các đảng, tất cả các tầng lớp quần chúng để tranh đấu…”(3); đồng thời, cần triệt để lợi dụng những khả năng tổ chức và đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp để phát triển lực lượng cách mạng của nhân dân. Nhờ đó, phong trào đấu tranh trong thời kỳ này phát triển mạnh mẽ với mục tiêu hết sức thiết thực: chống phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Dưới các tầng áp bức Pháp, Nhật, tinh thần cách mạng của nhân dân ngày càng sục sôi.
 
     Trước thực tiễn phát triển của phong trào cách mạng, Đảng đã tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (năm 1939), lần thứ 7 (năm 1940), lần thứ 8 (năm 1941) đề ra chủ trương, đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới, gấp rút chỉ đạo chuẩn bị những điều kiện cần thiết để chớp thời cơ tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, sau 3 ngày, ngày 12/9/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Đảng đã lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ ngàn năm có một: “cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp… Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập Ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”(4). Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28/8) cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và giao nộp ấn, kiếm, áo bào cho đại diện Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
 
     Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của quá trình 15 năm đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân ta dưới ngọn cờ lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng qua 3 cao trào cách mạng.
 
     Lãnh đạo cuộc xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ
 
     Trong những năm 1945 - 1946, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới giành được đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Bằng sách lược cách mạng tài tình, sáng tạo, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề về đối nội, đối ngoại, bảo vệ vững chắc và phát triển thành quả của cách mạng Tháng Tám. Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, xác định rõ nhiệm vụ cần kíp trước mắt là “phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân” (5), Đảng đã lãnh đạo nhân dân giải quyết nạn đói, giải quyết nạn dốt và khó khăn về tài chính. Song song với việc giải quyết khó khăn đối nội, bằng sách lược ngoại giao khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với Pháp để đuổi Tưởng, thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc để triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, Việt Nam đã tránh được cùng một lúc phải đối đầu với nhiều kẻ thù ở cả hai miền Nam, Bắc, chỉ còn phải đối phó với một kẻ thù là thực dân Pháp. Đó là một thành quả quan trọng, một thắng lợi lớn trong đấu tranh ngoại giao thời kỳ củng cố chính quyền năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám.
 
     Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
 
     Ngày 19/12/1946 với việc phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối kháng chiến đúng đắn được đề ra: thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, đã huy động và động viên sức mạnh tổng hợp của toàn dân kháng chiến, kiến quốc.
 
     Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, Việt Nam từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh chuyển sang đánh lâu dài với ta, ta từ thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc, đến Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, và với thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
 
     Lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam
 
     Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn cách mạng mới: thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược ở cả hai miền: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam. Đảng đã đề ra đường lối và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng hậu phương miền Bắc và phát huy vai trò của hậu phương lớn miền Bắc đồng thời kêu gọi, vận động phát huy tinh thần đoàn kết cao nhất lực lượng của toàn dân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  
 
 
Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ngày 31/01/1959 quyết định đường lối chống Mỹ cứu nước. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh Phông Bộ Ngoại giao, SLT 1452 - BH36.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu quân đội trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 năm 1960 tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh A36 - BH 44.
 
 
Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam họp (từ 18/12/1974 – 08/01/1975) quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh sưu tầm, TCB 307.
 
     Sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc được tập trung và phát huy cao độ. Quân dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh ở miền Nam và đập tan các cuộc leo thang của Hoa Kỳ ra miền Bắc. Sau 21 năm ròng rã, với đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (6).
 
     Lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước
 
     Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, dân tộc Việt Nam vững vàng bước tới đài vinh quang, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ đổi mới.   
 
 
Quang cảnh buổi khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1986. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, TL sưu tầm 2011.
 
     Thành tựu của gần 40 năm đổi mới là giai đoạn lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, tiếp tục khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 
 
     Vững niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, càng thấm nhuần hơn nữa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
 
 
-----------
 
Chú thích:
 
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H, Tập 12, tr406.
 
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H, Tập 12, tr406.
 
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, tập 6, tr 80.
 
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXBCTQG, H, 2000, tr 425.
 
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, NXBCTQG, H, 2001, tr 26, 27.
 
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nxb. Sự thật, H. 1977, tr.5-6.
 
Lê Thị Lý
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Nguồn: luutru.gov.vn
 
 

Ý KIẾN PHẢN HỒI:
Họ tên:
Email:
Địa chỉ:
Nội dung:  
Mã xác nhận:
   
 
TIN MỚI:
- Quyết định đổi tên Bệnh viện Y học dân tộc Hà Tĩnh - Tăng cường công tác Phòng cháy chữa cháy sau khi tái lập tỉnh - Quá trình chia tách, sáp nhập Sở Thương nghiệp thành Sở Công thương ngày nay - Thành lập Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê - Thành lập Phòng Công chứng Nhà nước - Thông báo triệu tập thí sinh tham dự vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức vào làm việc tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh năm 2023 - Sự hình thành và phát triển của Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh qua tài liệu lưu trữ - Tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh qua tài liệu lưu trữ - Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 - Thông báo Danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức vào làm việc tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh năm 2023
TIN CÙNG LOẠI:
- Đảng Cộng sản Việt Nam nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - Xây dựng Chính quyền điện tử - Thực trạng và đề xuất một số giải pháp - Trách nhiệm của công chức, viên chức trong bối cảnh xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử - Truyền giữ tư liệu cổ bằng phương pháp số hóa tại Đà Nẵng: Nếu không có chuyến khảo sát, nhiều sắc phong cổ sẽ ra đi - Hỏi đáp về nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ - Quản lý sự thay đổi của cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai Hệ thống quản lý tài liệu điện tử - Hội thảo "Nâng cao nhận thức về chương trình Ký ức thế giới của UNESCO" - Thành Hà Tĩnh qua Mộc bản triều Nguyễn - Hướng dẫn đặt tên file và mã phông trong một số trường hợp cụ thể khi thực hiện Thông tư số 02/2019/TT-BNV - Góp thêm tư liệu về năm sinh cụ Phan Đình Phùng