Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), mất năm 1791. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống đỗ đạt khoa bảng, nhiều người làm quan to trong triều, cha là Lê Hữu Mưu từng đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.
Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác nổi tiếng là người thông minh, ham học hỏi. Lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, xã hội rối ren, Trịnh - Nguyễn phân tranh quyền lực, nhân dân cực khổ, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi. Vì vậy, ngoài việc dùi mài kinh sử, ông nghiên cứu thêm binh thư, võ nghệ và cầm quân ra trận. Tuy nhiên, sau mấy năm sống trong hàng ngũ quân Trịnh, ông tận mắt nhìn thấy sự mục nát của chính quyền phong kiến, nhận thấy chiến tranh chỉ tàn phá và mang đau thương cho người dân nên ông đã nhiều lần từ chối sự đề bạt của nhà Trịnh để theo đuổi chí hướng mới, quyết tâm theo nghiệp y và sau này ông được mệnh danh là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Với những đóng góp của ông đã để lại cho nền y học nước nhà một kho tàng y học cổ truyền vô giá, vẫn vẹn nguyên giá trị và ứng dụng cho tới tận bây giờ. Một trong những cuốn sách được ông dày công biên soạn, ghi chép và chắt lọc lại những chân lý ông đã lĩnh hội được từ các danh y đời trước, chứa đựng những gì tinh túy nhất trong sự nghiệp của người thầy thuốc vĩ đại này và là tài sản của nền y học Việt Nam đó là cuốn “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”. Cuốn sách bao gồm 28 tập, 66 quyển về các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, phụ khoa, da liễu, nhãn khoa,...
Ngày 16 tháng 6 năm 1971, “để ghi lại những cống hiến lớn lao trong nền y học của Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh chủ trương để Tỉnh hội Đông y Hà Tĩnh xây dựng Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông ở vườn Đào của Cụ tại xã Sơn Quang nơi Hải Thượng đã sống thời gian dài của đời cụ, đã nghiên cứu và có nhiều cống hiến lớn lao về y học”.
Để việc này tiến hành được tốt, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Uỷ ban hành chính huyện, Uỷ ban hành chính các xã Sơn Hòa, Sơn Quang, Sơn Diệm thực hiện những việc sau đây:
- Phổ biến cho nhân dân nhất là những người trong dòng họ Lê biết việc này và thấy được vinh dự lớn của quê hương của dòng họ;
- Giúp đỡ Tỉnh hội Đông y trong việc điều nhân lực, cung cấp vật tư cần thiết cho xây dựng trong phạm vi có thể giải quyết được của huyện, của xã.
Đến năm 1974, để chuẩn bị cho kỷ niệm 255 ngày sinh của ông vào năm 1975, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh một lần nữa đồng ý cho Tỉnh hội Đông y được phép xây dựng thêm một số nhà cửa và mua sắm một số trang bị, dụng cụ để khu lưu niệm được hoàn chỉnh hơn.
Văn bản số 557 TK/VX ngày 16/6/1971 về việc Xây dựng khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông ở xã Sơn Quang
Văn bản số 342 TK/VX ngày 11/5/1974 về việc xây dựng thêm ở Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh xin giới thiệu tới độc giả Văn bản số 557 TK/VX ngày 16/6/1971; Văn bản số 342 TK/VX ngày 11/5/1974 của Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh về xây dựng Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác./.
Nguyễn Thị Hà
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh