Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, điều chỉnh những vấn đề thực tiễn, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn những năm 2000, công tác quản lý xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, cơ bản đảm bảo tính pháp lý và tính hiệu quả đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục: Việc xây dựng văn bản QPPL chưa có kế hoạch còn mang tính bị động, giá trị pháp lý và tính khả thi của văn bản chưa cao; công tác rà soát văn bản QPPL chưa được tiến hành thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện những văn bản hết hiệu lực, cần thay thế, sửa đổi, bổ sung nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp và của cơ quan ban ngành; trình tự thể thức ban hành văn bản QPPL chưa đảm bảo nghiêm túc…
Để khắc phục những tình trạng nêu trên, nhằm đưa công tác quản lý xây dựng, ban hành văn bản QPPL của các ngành, các cấp đi vào nề nếp, đúng quy định và đạt hiệu quả, ngày 25/3/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 06 CT/UBND-NC về việc tăng cường công tác quản lý việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị nêu rõ:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã cần chỉ đạo, duy trì công tác rà soát, tập hợp hóa văn bản QPPL thường xuyên theo định kỳ hàng quý, hàng năm. Phát hiện những văn bản QPPL hết hiệu lực thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
2. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã phải xây dựng kế hoạch ban hành văn bản QPPL hàng năm để chủ động trong việc tham mưu, soạn thảo và ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời, gửi kế hoạch về Sở Tư pháp trong tháng đầu năm để Sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
3. Các cơ quan được UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã giao soạn thảo, xây dựng văn bản QPPL có trách nhiệm tham khảo, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để đảm bảo tính nhất quán, chính xác và khả năng thực thi của văn bản khi ban hành. Đồng thời, nhất thiết phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Tư pháp (hoặc người theo dõi, phụ trách công tác tư pháp thuộc Văn phòng UBND các huyện, thị xã) cùng cấp trước khi trình cơ quan, người có thẩm quyền ký ban hành.
4. Cơ quan, người ký ban hành các văn bản QPPL phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thể thức của văn bản và phải chịu trách nhiệm về nội dung và tính hợp pháp của văn bản.
Nhân kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh giới thiệu đến quý độc giả Chỉ thị số 06 CT/UBND-NC ngày 25/3/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chỉ thị số 06 CT/UBND-NC ngày 25/3/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Các tài liệu trên hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh thuộc phông UBND tỉnh, kính mời quý độc giả đến khai thác tài liệu./.
Nguyễn Thị Thái Hòa
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh